NFC là một trong những công nghệ không dây phổ biến được tích hợp trên nhiều thiết bị giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn. Vậy chính xác NFC là gì? Công nghệ này hoạt động ra sao và cách mà nó đang ảnh hưởng đến thế giới hiện đại của chúng ta như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về NFC qua bài viết dưới đây.
NFC là gì?
NFC là viết tắt của cụm từ Near Field Communication có thể hiểu là kết nối không dây trong phạm vi ngắn. NFC là một công nghệ giao tiếp không dây được tích hợp trong nhiều thiết bị điện tử. Nó cho phép truyền thông tin giữa các thiết bị chỉ trong khoảng cách ngắn, thường là vài centimet (khoảng 4cm) nên giao dịch thông qua công nghệ NFC được xem là an toàn. Công nghệ này giúp tạo ra các ứng dụng thông minh và thuận tiện trong nhiều lĩnh vực.
Kết nối NFC không phụ thuộc vào wifi, LTE hay 3G. Công nghệ này hiện đang ngày càng phổ biến với nhiều ứng dụng như thanh toán không chạm, ví điện tử,…
Tìm hiểu công nghệ NFC (Ảnh: Internet)
NFC hoạt động như thế nào?
Để NFC hoạt động bắt buộc phải cần có hai thiết bị là thiết bị đọc (thường là điện thoại) và thiết bị đích (target – thường là điện thoại khác, loa ngoài, thẻ NFC,…). Thiết bị đọc sẽ chủ động tạo ra những trường sóng radio đủ để cung cấp năng lượng cho thiết bị đích ở chế độ bị động. Thẻ NFC không cần năng lượng để hoạt động, khi cần nó sẽ lấy từ thiết bị đọc. Đây là đặc điểm cực kỳ có ý nghĩa bởi nó cho phép người ta có thể chế tạo tags, chìa khóa, miếng dán hay thẻ NFC nhỏ gọn hơn do không cần dùng đến pin.
Nhờ công nghệ NFC mà chỉ cần chạm hai thiết bị vào với nhau là chúng có thể kết nối mà không cần khai báo nhiều thứ như Bluetooth. Thông thường, chúng ta thường chạm hai điện thoại để gửi thông tin, hình ảnh, link web, hoặc chạm điện thoại vào tai nghe có NFC để kết nối một cách nhanh chóng.
Cách sử dụng NFC trên iphone – Cách NFC hoạt động (Ảnh: Internet)
Ứng dụng của công nghệ NFC là gì?
Thanh toán di động: Công nghệ NFC được sử dụng rộng rãi trong các ví điện tử và những ứng dụng thanh toán di động. Nó cho phép người dùng có thể thanh toán mà không cần tiếp xúc trực tiếp với thiết bị.
Chia sẻ thông tin nhanh chóng: NFC giúp việc chia sẻ dữ liệu nhanh chóng giữa các điện thoại di động, thẻ thông tin hoặc các thiết bị khác chỉ trong vài giây.
Kiểm soát truy cập: Trong lĩnh vực an ninh, công nghệ NFC được dùng để kiểm soát truy cập vào các khu vực an ninh như khách sạn, văn phòng, các tòa nhà công cộng.
Những tiện ích của NFC trong đời sống
Bên cạnh những ứng dụng tuyệt vời thì những tiện ích của công nghệ NFC là gì trong cuộc sống hàng ngày?
Dễ sử dụng: Công nghệ NFC không đòi hỏi quá trình cài đặt phức tạp. Việc kích hoạt chức năng NFC và chạm nhẹ là đủ để có thể bắt đầu truyền thông tin.
Tiết kiệm thời gian: NFC giúp việc thực hiện các giao dịch thanh toán, kiểm soát truy cập, chia sẻ dữ liệu chỉ trong vài giây, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.
Tương tác hợp nhất: Công nghệ NFC mở ra cánh cửa cho tương tác thông minh giữa các thiết bị từ điện thoại thông minh cho đến những thiết bị gia dụng, thiết bị ô tô,…
NFC trong tương lai: Sự thuận tiện và linh hoạt của công nghệ NFC có thể dự kiến công nghệ này sẽ ngày càng phổ biến và được tích hợp mạnh mẽ vào cuộc sống hàng ngày từ du lịch cho đến mua sắm hay các công việc hàng ngày.
Tính năng thanh toán di động của NFC được sử dụng rất phổ biến (Ảnh: Internet)
Rủi ro đến từ NFC
Bên cạnh việc tìm hiểu về NFC là gì thì những rủi ro của công nghệ này là điều mà rất nhiều người quan tâm. Công nghệ NFC có sẵn một số tính năng bảo mật để giảm thiểu khả năng hoạt động tội phạm. Phạm vi ngắn khiến tội phạm mạng khó thực hiện được các hành vi lừa đảo hơn. Ngoài ra, NFC sử dụng mã hóa để giữ dữ liệu nhạy cảm như chi tiết thanh toán an toàn khỏi bàn tay của tác nhân độc hại. Tuy nhiên, điều này không làm cho công nghệ NFC hoàn toàn bất khả xâm phạm. Ngày nay, tội phạm mạng đã tìm ra cách khai thác NFC để trục lợi nên nhiều rủi ro liên quan đến NFC gồm có hack.
Tội phạm mạng có thể truy cập vào điện thoại của nạn nhân và truy cập dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại. Hacker cũng có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên các thiết bị đầu cuối thanh toán. Các máy ATM cũng có nguy cơ bị tấn công kiểu này khi hacker gây ra sự cố trong hệ thống ATM nhờ tính năng NFC trên thiết bị của chính chúng. Điều này có thể khiến việc phân tán tiền mà không cần cắm thẻ. Tội phạm mạng có thể sao chép chip NFC mà bạn sử dụng để thanh toán. Điều này giúp chúng có thể thanh toán bằng tiền trong tài khoản tín dụng hoặc ghi nợ của bạn. Ngoài ra, hacker có thể thực hiện tấn công trung gian bằng NFC. Trong đó, giao tiếp giữa thẻ thụ động và thiết bị đầu cuối đang hoạt động bị chặn để thu thập dữ liệu có giá trị.
Vì các rủi ro bảo mật gây ra bởi công nghệ NFC nên hãy tắt tính năng này trên thiết bị của mình khi không sử dụng. Điều này sẽ giúp cắt đứt khả năng tội phạm mạng khai thác thiết bị của bạn bằng cách liên lạc này. Bạn cũng có thể dùng xác minh mã PIN trên ứng dụng thanh toán NFC của mình để không ai có thể sử dụng ứng dụng này.
>>> Có thể bạn quan tâm: Sóng điện từ là gì?
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của Hapoin về công nghệ NFC là gì và những ứng dụng quan trọng của nó. NFC không chỉ là một công nghệ mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Việc hiểu rõ được cách NFC hoạt động và những ứng dụng của nó có thể mở ra nhiều cơ hội tiện ích và giúp tiết kiệm thời gian trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Jasmine Wu – Hapoin